Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật

Trong bài học này các em được tìm hiểu về quá trình phát triển của hệ tiêu hóa qua từng nhóm động vật, nhận thấy được sự tiến hóa của hệ tiêu hóa qua các giai đoạn từ chưa có ống tiêu hóa đến có ống tiêu hóa, từ tiêu hóa đơn giản đến tiêu hóa phức tạp.

Sinh học 11 Bài 15: Tiêu hóa ở động vật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tiêu hóa là gì?

a. Khái niệm tiêu hóa

- Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.

b. Các hình thức tiêu hóa

  • Tiêu hóa nội bào: trong tế bào tại các không bào tiêu hóa.
  • Tiêu hóa ngoại bào: diễn ra bên ngoài tế bào trong túi tiêu hóa hoặc ống tiêu hóa.

1.2. Tiêu hóa ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa

Động vật chưa có cơ quan tiêu hoá là động vật đơn bào. Tiêu hoá thức ăn ở động vật đơn bào diễn ra bên trong tế bào gọi là tiêu hoá nội bào. Các enzim từ lizoxôm vào không bào tiêu hoá để thủy phân thức ăn thành các chất dinh dưỡng đơn giản để tế bào sử dụng.

Ví dụ: trùng giày, amip…

Tiêu hóa ở trùng đế giày

1.3. Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa

Túi tiêu hóa có hình túi và được hình thành từ nhiều tế bào. Túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất ra bên ngoài. Lỗ thông vừa làm chức năng miệng vừa làm chức năng hậu môn.
Trên thành túi có nhiều tế bào tuyến. Các tê bào này tiết enzim tiêu hóa vào lòng túi tiêu hóa.
Ở túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào.

Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa

1.4. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa

Ống tiêu hóa gồm nhiều bộ phận với các chức năng khác nhau

Thức ăn đi theo một chiều trong ống tiêu hóa. Khi đi qua ống tiêu hóa, thức ăn bị biến đổi cơ học và hóa học để trở thành những chất dinh dưỡng đơn giản và được hấp thụ vào máu.

Các chất không được tiêu hóa trong ống tiêu hóa sẽ tạo thành phân và thải ra ngoài

Tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa gặp ở động vật có xương sống và một số động vật không xương sống

a. Ống tiêu hóa đơn giản

  • Ống thẳng.
  • Chưa có tuyến tiêu hóa.
  • Có hay không có hậu môn.

Tiêu hóa ở giun đất

b. Ống tiêu hóa bắt đầu chuyên hóa

  • Có tuyến tiêu hóa (Tuyến gan ở tôm)
  • Có phần phụ miệng
  • Ruột tịt tiết dịch tiêu hoá

Tiêu hóa ở côn trùng

c. Ống tiêu hóa chuyên hóa

Ống và các tuyến tiêu hoá phức tạp, có phân hoá rõ về cấu tạo, chuyên hoá về chức năng.

Tiêu hóa ở chim

Tiêu hóa ở người

2. Bài tập minh họa

Ưu điểm của tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa so với trong túi tiêu hóa?

Hướng dẫn giải:

  • Trong ống tiêu hóa, thức ăn không bị trộn lẫn với chất thải (phân); còn trong túi tiêu hóa thức ăn bị trộn lẫn với phân.
  • Trong ống tiêu hóa, dịch tiêu hóa không bị hòa loãng; còn trong túi tiêu hóa, dịch tiêu hóa bị hòa loãng với rất nhiều nước.
  • Trong ống tiêu hóa, thức ăn chỉ đi theo một chiều nên ống tiêu hóa hình thành các bộ phận chuyên hóa; còn túi tiêu hóa không có sự chuyên hóa.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho biết sự khác nhau giữa tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào.

Câu 2: Ống tiêu hóa phân hóa thành những bộ phận khác nhau có tác dụng gì?

Câu 3: Tại sao lại nói tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa là tiêu hóa ngoại bào?

Câu 4: Cho biết những ưu điểm của tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa so với trong túi tiêu hóa?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Tiêu hóa hóa học trong ống tiêu hóa ở người không diễn ra ở

A. dạ dày
B. ruột non
C. thực quản
D. miệng

Câu 2: Quá trình tiêu hoá ở động vật có túi tiêu hoá chủ yếu diễn ra như thế nào?

A. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ sự co bóp của khoang túi mà chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản.
B. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp trong khoang túi.
C. Thức ăn được tiêu hoá nội bào nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được. 
D. Thức ăn được liêu hoá ngoại bào (nhờ enzim thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp trong khoang túi) và nội bào. 

Câu 3: Các nếp gấp của niêm mạc ruột, trên đó có các lông ruột và các lông cực nhỏ có tác dụng gì?

A. Tạo thuận lợi cho tiêu hoá cơ học. 
B. Làm tăng nhu động của ruột. 
C. Tạo thuận lợi cho tiêu hoá hoá học. 
D. Làm tăng bề mặt hấp thụ của ruột

Câu 4: Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa thì 

A. thức ăn được tiêu hóa ngoại bào.
B. thức ăn được tiêu hóa nội bào.
C. thức ăn được tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào. 
D. một số thức ăn tiêu hóa nội bào, còn lại tiêu hóa ngoại bào.

Câu 5: Điều không đúng với sự tiêu hóa thức ăn trong các bộ phận của ống tiêu hóa ở người là 

A. ở ruột già có tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.
B.  ở dạ dày có tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.
C. ở miệng có tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học. 
D. ở ruột non có tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Tiêu hóa ở động vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần

  • Nêu được sự tiến hóa về hệ tiêu hóa ở động vật, từ tiêu hóa nội bào đến túi tiêu hóa và ống tiêu hóa.
  • Phân biệt được tiêu hóa nội bào với tiêu hóa ngoại bào.
  • Nêu được quá trình tiêu hóa thức ăn ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa, tiêu hóa thức ăn trong túi tiêu hóa và trong ống tiêu hóa.
Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM