GDCD 6 Bài 14: Thực hiện trật tự an toàn giao thông
Bài học dưới đây giúp các em hiểu được tình hình thực hiện giao thông của nước ta trong những năm qua, cảnh giác sự nguy hiểm và những hậu quả không ngờ nếu vi phạm luật giao thông. Ngoài ra các em sẽ được bổ sung kiến thức về các biển báo, ý thức chấp hành luật an toàn giao thông.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Thông tin, sự kiện
- Bảng số liệu 1
- Con số vụ tai nạn giao thông có số người chết và bị thương ngày càng gia tăng (2008-2013).
- Số vụ tai nạn và số người chết tăng mạnh qua các năm.
⇒ Ý nghĩa: Vấn đề về an toàn giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng và cần phải quan tâm đúng mức.
- Câu chuyện 2
- Tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và của
- Bà Rịa – Vũng Tàu: 9 thanh niên chết, 5 xe moto hỏng hoàn toàn.
- Thành phố Hồ Chí Minh: thanh niên 17 tuổi chết, 4 thanh niên bị thương nặng có nguy cơ bị tàn phế.
⇒ Ý nghĩa: Vi phạm an toàn giao thông gây thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần, khi tham gia giao thông phải đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh.
1.2. Nội dung bài học
a. Phải tuyệt đối chấp hành hệ thống báo hiệu giao thông: Gồm hiệu lệnh của người điều khiển GT, tín hiệu đèn GT, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, hàng rào chắn.
- Tín hiệu đèn giao thông:
- Đèn đỏ → Cấm đi
- Đèn vàng → Đi chậm lại
- Đèn xanh → Được đi
b. Các loại biển báo thông dụng:
- Biển báo cấm: Hình tròn viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ màu đen.
- Biển báo nguy hiểm: Hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên nền có hình vẽ màu đen.
- Biển báo hiệu lệnh: Hình tròn, nền màu xanh lam, trên nền có hình vẽ màu trắng
- Biển chỉ dẫn: Hình chữ nhật/hình vuông, nền màu xanh lam.
c. Một số qui định về đi đường:
- Đối với người đi bộ:
- Phải đi trên vỉa hè, lề đường, không có lề thì đi sát mép đường.
- Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường thì người đi bộ phải tuân thủ đúng.
- Đối với người đi xe đạp:
- Không đi xe dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng.
- Không đi vào phần đường dành cho người đi bộ...
- Không sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác
- Không mang vác và chở vật cồng kềnh.
- Không buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh.
- Đối với điều khiển xe cơ giới: Trẻ em dưới 16 tuổi không được lái xe gắn máy, đủ 16 tuổi → dưới 18 tuổi được lái xe có dung tích xi lanh dưới 50 cm3.
- Qui định về an toàn đường sắt:
- Không chăn thả gia súc, chơi đùa trên đường sắt.
- Không thò đầu tay chân ra ngoài khi tàu đang chạy.
- Không ném các vật nguy hiểm lên tàu và ngược lại.
- Trách nhiệm của người học sinh:
- Học và thực hiện theo qui định luật ATGT.
- Tuyên truyền, nhắc nhở mọi người cùng thực hiện tốt.
- Lên án tình trạng cố tình vi phạm luật GT.
2. Luyện tập
Câu a. Em hãy nhận xét hành vi cùa những người trong các bức tranh sau:
Gợi ý trả lời:
- Chăn, dắt thả trâu bò trên đường sắt: vi phạm quy định về an toàn đường sắt.
- Đi xe đạp hàng ba dàn hàng ngang vi phạm quy định về đi đường của người đi xe đạp.
Câu b. Trong các biển báo giao thông dưới đây:
Biển báo nào cho phép người đi bộ được đi ?
Biển báo nào cho phép người đi xe đạp được đi ?
Gợi ý trả lời:
Biển báo 305, 423b: cho phép người đi bộ được đi.
Biển báo 206 và 304: cho phép người đi xe đạp được đi.
Câu c. Hãy tìm hiểu những quy định về vượt nhau và tránh nhau trên đường.
Gợi ý trả lời:
- Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
- Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
- Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái.
- Khi xe điện đang chạy giữa đường.
- Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
- Cấm vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
- Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 điều này.
- Trên cầu hẹp có một làn xe.
- Dưới gầm cầu vượt, đường vòng, đầu dô"c và các vị trí khác có tầm nhìn hạn chế.
- Nơi đường giao nhau, đường bộ giao cắt đường sắt.
- Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt.
- Xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ
Câu d. Hãy nhận xét về tình hình thực hiện trật tự an toàn giao thông nơi em ở và nêu những việc mà em có thể làm để góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Gợi ý trả lời:
Nơi em ở còn tồn tại một số vấn đề về trật tự giao thông sau:
- Vượt đèn vàng, đèn đỏ;
- Không đội mũ bảo hiểm;
- Chở quá số người qui định;
- Đi lên lề đường ....
Từ đó, để đảm bảo chấp hành luật lệ giao thông, em hứa chấp hành luật lệ giao thông đúng quy định, không đi hàng ba, hàng bốn trên đường, khi có đèn đỏ phải dừng lại, tuyên truyền đến bạn bè, hàng xóm thực hiện tốt an toàn khi tham gia giao thông.
Câu đ. Hãy tự liên hệ xem bản thân đã thực hiện đúng những quy định về trật tự an toàn giao thông chưa. Hãy tự đặt kế hoạch rèn luyện và nhắc nhở các bạn cùng thực hiện.
Gợi ý trả lời:
Bản thân em chưa thực hiện đúng 100% những quy định về trật tự an toàn giao thông. Việc chưa thực hiện đúng đó là đi học về còn dàn hàng đôi hàng ba, thi thoảng có thi đua xe với các bạn làm ảnh hưởng đến những người khác tham gia giao thông.
Để chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông em sẽ cố gắng thực hiện đúng và nhắc nhở các bạn nếu các bạn không may mắc phải.
3. Kết luận
Qua bài học các em cần ghi nhớ các nội dung sau:
- Tính chất nguy hiểm và nguyên nhân phổ biến của các tai nạn giao thông.
- Tầm quan trọng của việc thực hiện an toàn giao thông và những qui định cần thiết về trật tự an toàn giao thông.
Tham khảo thêm
- doc GDCD 6 Bài 12: Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em
- doc GDCD 6 Bài 13: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- doc GDCD 6 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ học tập
- doc GDCD 6 Bài 16: Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm
- doc GDCD 6 Bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở
- doc GDCD 6 Bài 18: Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín