GDCD 10 Bài 14: Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Bài học dưới đây giúp các em hiểu được truyền thống yêu nước đáng quý của dân tộc. Qua đó các em cần yêu quý, tự hào hơn nữa về những chiến tích truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc ta từ xưa đến nay; đồng thời có ý thức học tập, rèn luyện để xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Lòng yêu nước
a. Lòng yêu nước là gì?
Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của tổ quốc.
Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất. Từ tình cảm gắn bó với hàng xóm, quê hương và được nâng lên thành lòng yêu nước.
b. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam
- Yêu nước là một truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của hàng loạt các giá trị truyền thống khác.
- Biểu hiện:
- Tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước
- Tình yêu thương đối với đồng bào, nòi giống, dân tộc
- Lòng tự hào dân tộc chính đáng
- Đoàn kết, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm
- Cần cù và sáng tạo trong lao động.
1.2. Trách nhiệm xây dựng Tổ quốc
- Chăm chỉ, sáng tạo trong học tập, lao động
- Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong, sống trong sáng, lành mạnh, tránh các tệ nạn xã hội.
- Quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội của địa phương của đất nước.
- Tích cực tham gia bằng việc góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng.
- Biết phê phán, đấu tranh với những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
1.3. Trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc
- Trung thành với tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tích cực học tập, rèn luyện thân thể , giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.
- Tham gia đăng kí nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Tích cực tham gia các hoạt động an ninh quốc phòng ở địa phương, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
- Vận động bạn bè, người thân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
2. Luyện tập
Câu 1: Thế nào là lòng yêu nước? Em nghĩ gì về truyền thống yêu nước của dân tộc ta?
Gợi ý trả lời
Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ cho lợi ích của tổ quốc.
Truyền thống yêu nước của dân tộc ta là một truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng, là cội nguồn của hàng loạt các giá trị truyền thống khác của dân tộc. Chính truyền thống yêu nước là sức mạnh nội sinh giúp đất nước ta, dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, chiến thắng thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm, tồn tại và phát triển với đầy đủ bản sắc dân tộc mình.
Câu 2:
Xử lí tình huống:
a. Anh trai Hùng có giấy gọi nhập ngũ. Bố mẹ Hùng không muốn cho con đi nên đã bàn nhau tìm cách xin cho anh ở lại.
Theo em, Hùng nên làm gì khi biết ý định của bố mẹ? Vì sao?
b. Thanh được địa phương cử và cấp kinh phí cho đi học để sau này trở về phục vụ quê hương. Nhưng sau khi học xong, Thanh đã tìm mọi cách để được ở lại thành phố.
Nếu là bạn của Thanh, em có thể làm gì?
c. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tiến muốn theo học và phát triển nghề truyền thống của gia đình, dòng họ mình mà bạn có năng khiếu và rất yêu thích nó. Song, nhiều bạn bè cho rằng, Tiến làm như vậy là không có tương lai, thanh niên phải theo học những ngành khoa học – kĩ thuật hiện đại mới là phù hợp.
Nếu là Tiến, em sẽ làm gì?
Gợi ý trả lời
a. Hùng nên nói chuyện với ba mẹ và phân tích cho ba mẹ hiểu là làm như thế không đúng, trái với Luật Nghĩa vụ quân sự. Hùng và anh trai phải thuyết phục bố mẹ, rằng đi bộ đội là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân khi đến tuổi trưởng thành. Vào quân ngũ anh trai Hùng còn được đào tạo và rèn luyện để trở thành người sống có kỉ luật, có trách nhiệm và có ích. Việc đi nhập ngũ là thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, trách nhiệm của cá nhân đối với quốc gia, dân tộc và đó cũng là cách trang bị kiến thức và sức khỏe phòng khi đất nước gặp chiến tranh sẽ có thể góp sức bảo vệ tổ quốc.
b. Em có thể khuyên Thanh trở về làm việc ở quê hương, làm tròn trách nhiệm đối với quê hương vì địa phương cấp kinh phí cho Thanh đi học là để sau này trở về phục vụ quê hương. Điều đó rất cần thiết với tất cả mọi vùng quê trên khắp Việt Nam. Nếu Thanh cố tình ở lại thành phố thì sẽ là không thực hiện nghĩa vụ của mình với quê hương, làm mất thiện cảm và niềm tin mọi người mong đợi.
c. Tiến hãy làm theo mong muốn của mình vì mỗi người có 1 chí hướng khác nhau, nếu cố gắng Tiến sẽ thành công và có thể thành công hơn những người bạn của mình. Con người cần có ước mơ và phải biết bảo vệ mơ ước của mình để biến nó thành sự thật. Không phân biệt nghề truyền thống hay hiện đại, miễn bạn có khả năng, yêu thích và quyết tâm thực hiện để xây dựng nền kinh tế của bản than và gia đình là điều đáng quý. Hơn thế nữa, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ là một điều vô cùng đáng quý và được khuyến khích trong đời sống nhân dân ta hiện nay.
Câu 3: Hãy tìm hiểu về các hoạt động, các phong trào xây dựng quê hương của học sinh trường em, của thanh niên ở địa phương em.
Gợi ý trả lời
- Phong trào thanh niên tự quản, giữ xanh đường làng ngõ xóm.
- Đến thăm và tặng quà các đồng chí thương binh nặng ở Kim Bảng – Hà Nam.
- Tham gia chương trình đền ơn đáp nghĩa ở địa phương
- Tham gia tổ chức thực hiện chương trình Vòng quay xanh để ủng hộ bảo vệ môi trường
- Tham gia sinh hoạt hè tại địa phương
- …
Câu 4: Hãy tìm hiểu về những hoạt động góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở địa phương em (ví dụ: Tình hình thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội neo đơn, gia đình có công với cách mạng của trường, của địa phương; gương chiến đấu, hi sinh để bảo vệ tổ quốc của các thương binh, liệt sĩ, chiến sĩ,... người địa phương; các hoạt động của đội dân phòng, tổ an ninh địa phương,...)
Gợi ý trả lời
- 100% thanh niên đủ độ tuổi, đạt yêu cầu đều tham gia nghĩa vụ quân sự
- Đội thanh niên xung kích địa phương tham gia phân làn, điều khiến các điểm nút giao thông giờ tan tầm.
- Giúp đỡ các gia đình thuơng, bệnh binh, liệt sĩ,..
3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau
- Nêu được thế nào là lòng yêu nước và các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước Việt Nam
- Nêu được trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tham khảo thêm
- doc GDCD 10 Bài 10: Quan niệm về đạo đức
- doc GDCD 10 Bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học
- doc GDCD 10 Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình
- doc GDCD 10 Bài 13: Công dân với cộng đồng
- doc GDCD 10 Bài 15: Công dân với một số vấn đề cấp thiết của nhân loại
- doc GDCD 10 Bài 16: Tự hoàn thiện bản thân