Địa lí 10 Bài 13: Sự ngưng đọng hơi nước trong khí quyển. Mưa

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về sự ngưng đọng hơi nước trong khí quyển và mưa trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 13 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 10 Bài 13: Sự ngưng đọng hơi nước trong khí quyển. Mưa

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Ngưng đọng hơi nước trong khí quyển

a. Ngưng đọng hơi nước

  • Điều kiện ngưng đọng hơi nước:
  • Không khí chứa hơi nước đã bão hòa mà vẫn được cung cấp hơi nước hoặc không khí gặp lạnh.
  • Phải có hạt nhân ngưng đọng như khói, bụi, muối, ….

b. Sương mù

Điều kiện hình thành:

  • Độ ẩm tương đối cao.
  • Khí quyển ổn định theo chiều thẳng đứng.
  • Có gió nhẹ.

c. Mây và mưa

  • Mây: Hơi nước gặp lạnh, ngưng đọng thành những hạt nước nhỏ và nhẹ và tụ lại thành từng đám mây.
  • Mưa: Khi các hạt nước trong mây đủ lớn rơi được xuống mặt đất mưa.
  • Tuyết rơi: Nước rơi gặp nhiệt độ khoảng 00C, không khí yên tỉnh tuyết rơi.
  • Mưa đá: Nước mưa rơi ở thể rắn (băng).

1.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa

a. Khí áp

  • Khu áp thấp: thường mưa nhiều.
  • Khu áp cao: thường mưa ít hoặc không mưa (vì không khí ẩm không bốc lên được, không có gió thổi đến mà có gió thổi đi).

b. Frông

  • Miền có frông, nhất là dải hội tụ đi qua, thường mưa nhiều.

c. Gió

  • Gió mậu dịch: mưa ít.
  • Gió tây ôn đới thổi từ biển vào gây mưa nhiều (Tây Âu, tây Bắc Mĩ).
  • Miền có gió mùa: mưa nhiều (vì một nửa năm là gió thổi từ đại dương vào lục địa)

d. Dòng biển

  • Tại vùng ven biển
  • Dòng biển nóng đi qua: mưa nhiều (không khí trên dòng biển nóng chứa nhiều hơi nước, gió mang vào lục địa).
  • Dòng biển lạnh: mưa ít.

e. Địa hình

  • Cùng một sườn núi đón gió: càng lên cao, nhiệt độ giảm, mưa nhiều và sẽ kết thúc ở một độ cao nào đó.
  • Cùng một dãy núi sườn đón gió ẩm: mưa nhiều, sườn khuất gió mưa ít.

1.3. Sự phân bố lượng mưa trên Trái Đất

a. Lượng mưa trên Trái Đất phân bố không đều theo vĩ độ

  • Mưa nhiều nhất ở vùng xích đạo (vì nhiệt độ cao, khí áp thấp, có nhiều biển, đại dương, diện tích rừng lớn, nước bốc hơi mạnh).
  • Mưa tương đối ít ở hai vùng chí tuyến Bắc và Nam (áp cao, diện tích lục địa lớn).
  • Mưa nhiều ở hai vùng ôn đới (áp thấp, có gió tây ôn đới từ biển thổi vào).
  • Mưa càng ít khi càng về gần hai cực (áp cao,nhiệt độ thấp, khó bốc hơi nước).

b. Lượng mưa phân bố không đều do ảnh hưởng của Đại Dương

  • Ở mỗi đới, từ Tây sang Đông có sự phân bố lượng mưa không đều.
  • Mưa nhiều: gần biển, dòng biển nóng.
  • Mưa ít: xa đại dương, ở sâu trong lục địa, dòng biển lạnh, có địa hình chắn gió không, ở phía nào.
  • Nguyên nhân: Phụ thuộc vị trí xa, gần đại dương; ven bờ có dòng biển nóng hay lạnh; gió thổi từ biển vào từ phía đông hay phía tây.

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào kiến thức đã học, hãy giải thích vì sao miền ven Đại Tây Dương của Tây Bắc châu Phi cũng nằm ở vĩ độ như nước ta, nhưng có khí hậu nhiệt đới khô, còn nước ta lại có khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều?

Gợi ý làm bài

- Tây Bắc châu Phi có khí hậu nhiệt đới khô vì nằm ở khu vực cao áp thường xuyên, gió chủ yếu là gió mậu dịch, ven bờ lại có dòng biển lạnh nên ít mưa.

- Nước ta có vị trí tiếp giáp biển Đông giúp cho các khối khí di chuyển qua biển mang theo lượng hơi ẩm lớn gây mưa cho đất liền. Đồng thời nước ta chịu ảnh hưởng của gió mùa và dải hội tụ nhiệt đới nên có lượng mưa lớn hơn.

Câu 2: Dựa vào kiến thức đã học và hình 13.1, giải thích tình hình phân bố mưa ở các khu vực: xích đạo, chí tuyến, ôn đới, cực.

Gợi ý làm bài

- Lượng mưa phân bố không đều theo vĩ độ.

+ Khu vực xích đạo lượng mưa nhiều nhất (1700mm).

⟹ do đây là khu vực áp thấp hút gió, nhiệt độ độ ẩm cao, chủ yếu là đại dương và rừng xích đạo ẩm ướt nên lượng nước bốc hơi mạnh, mưa nhiều.

+ Khu vực chí tuyến Bắc và Nam mưa tương đối ít (600 mm).

⟹ do có khí áp cao cận chí tuyến ngự trị (chỉ có gió thổi đi, không có gió thổi đến), tỉ lệ diện tích lục địa tương đối lớn nên khí hậu khô hạn, mưa ít.

+ Hai khu vực ôn đới (ở bán cầu Bắc và bán cầu Nam) có mưa nhiều (800 -1200 mm).

⟹ do khi áp thấp, có gió Tây ôn đới từ biển thổi vào.

+ Hai khu vực cực mưa ít nhất (100 -200 mm).

⟹ do có khí áp cao ngự trị, không khí lạnh khô, nước không bốc hơi lên được.

Câu 3: Dựa vào hình 13.2 và kiến thức đã học, hãy trình bày và giải thích tình hình phân bố mưa trên các lục địa theo vĩ tuyến 40 độ B từ Đông sang Tây.

Gợi ý làm bài

Lượng mưa phân bố không đều trên các lục địa theo vĩ độ 40o B từ Đông sang Tây:

-  Bờ biển ven các lục địa mưa nhiều do có tính chất đại dương, càng vào sâu trong lục địa lượng mưa giảm.

- Ven biển ở Bắc Mỹ và châu Âu, do có dòng biển nóng đi qua nên mưa nhiều hơn ven biển các lục địa khác.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sự ngưng đọng hơi nước trong khí quyển. Mưa Địa lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Hiểu rõ sự hình thành sương mù, mây và mưa.

- Hiểu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa.

- Nhận biết sự phân bố mưa theo vĩ độ.

- Phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố: Nhiệt độ, khí áp, đại dương ...với lượng mưa.

- Phân tích biểu đồ (đồ thị) phân bố lượng mưa theo vĩ độ.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM