Sinh học 6 Bài 12: Biến dạng của rễ
Rễ không chỉ có chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan mà ở một số cây, rễ còn có chức năng khác nữa nên hình dạng và cấu tạo của rễ thay đổi, làm rễ bị biến dạng. Có những loại rễ biến dạng nào? Chúng có chức năng gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thông qua bài học dưới đây
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Một số loại rễ biến dạng
- Rễ củ: Cây sắn, cà rốt, cây cải củ, củ đậu, củ khoai lang, củ từ.
- Rễ móc: Cây tiêu, cây trầu không.
- Rễ thở: Rễ cây đước, Cây mắm, cây bụt mọc, rễ cây bần.
- Giác mút: Cây tầm gửi, cây vặn niên thanh, cây đa, cây tơ hồng.
1.2. Đặc điểm cấu tạo và chức năng của rễ biến dạng
Có 4 loại rễ biến dạng:
- Rễ củ: Là rễ phình to thành củ, chứa chất dự trữ cho cây khi ra hoa tạo quả VD: Cây củ mì, củ cà rốt, củ cải,……
- Rễ móc: Rễ mọc từ thân hoặc cành trên mặt đất, móc vào trụ bám, giúp cây leo lên. VD: Cây tiêu, cây trầu không,…
- Rễ thở: Rễ mọc ngược lên trên mặt đất lấy oxi cung cấp cho các phần rễ ở dưới đất. VD: Cây bụt mọc, cây đước, cây mắm,….
- Giác mút: Rễ mọc vào thân cây khác lấy chất hữu cơ từ cây chủ VD: Cây tầm gửi, cây tơ hồng,…
2. Bài tập minh họa
Tại sao phải thu hoạch các cây có rễ củ trước khi chúng ra hoa?
Hướng dẫn giải
Phải thu hoạch các cây có rễ củ trước khi chúng ra hoa vì: Củ là phần rễ phình to chứa chất dự trữ để cây dùng lúc ra hoa, kết quả. Vì vậy, nếu trồng cây lấy củ như khoai lang, khoai tây, củ cải ..., thì phải thu hoạch trước khi ra hoa để thu được củ chứa nhiều chất dự trữ nhất. Nếu thu hoạch chậm, sau lúc cây ra hoa thì một phần chất dinh dưỡng của củ đã được chuyển hóa để tạo ra các bộ phận của hoa nên chất lượng củ bị giảm rõ rệt.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Hãy điền tiếp các câu sau đây:
- Cây sắn có rễ ..
- Cây bụt mọc có rễ ...
- Cây trầu không rễ ...
- Cây tầm gửi có rễ ...
Câu 2: Quan sát một số loài cây như: trầu không, cà rốt, cây mắm, dây tơ hồng, bụt mọc, cây tầm gửi, cải củ, hồ tiêu... có rễ biến dạng: Căn cứ vào những đặc điểm giống nhau, em hãy sắp xếp chúng vào các nhóm phù hợp, nêu đặc điểm chung của mỗi nhóm và cho biết vai trò của loại rễ đó đối với cây.
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Rễ móc được tìm thấy ở loại cây nào dưới đây?
A. Tất cả các phương án đưa ra
B. Vạn niên thanh
C. Trầu không
D. Hồ tiêu
Câu 2: Nhóm nào dưới đây gồm những cây có rễ giác mút?
A. Tầm gửi, tơ hồng
B. Mồng tơi, kinh giới
C. Trầu không, mã đề
D. Mía, dong ta
Câu 3: Cây nào dưới đây có loại rễ biến dạng tương tự như rễ biến dạng của cây cải củ?
A. Gừng
B. Chuối
C. Sắn
D. Bưởi
Câu 4: Đối với cây lấy rễ củ, người ta nên thu hoạch khi nào?
A. Sau khi cây ra hoa, tạo quả
B. Sau khi cây ra hoa, trước khi cây tạo quả
C. Trước khi cây ra hoa, tạo quả
D. Khi quả đã già
Câu 5: Loại củ nào dưới đây không phải là biến dạng của rễ?
A. Củ đậu
B. Củ khoai lang
C. Củ lạc
D. Củ cà rốt
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Phân biệt được 4 loại rễ biến dạng: rễ móc, rễ củ, rễ thở, giác mút. Hiểu được đặc điểm của từng loại rễ biến dạng phù hợp với chức năng của chúng
- Nhận dạng được một số loại rễ biến dạng đơn giản thường gặp
- Giải thích được vì sao phải thu hoạch các cây có rễ củ trước khi ra hoa
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 6 Bài 9: Các loại rễ, các miền của rễ
- doc Sinh học 6 Bài 10: Cấu tạo miền hút của rễ
- doc Sinh học 6 Bài 11: Sự hút nước và muối khoáng của rễ