Lý 6 Bài 10: Lực kế- Phép đo lực. Trọng lượng và khối lượng

Nội dung của bài học dưới đây sẽ giúp các em nắm rõ hơn về một loại dụng cụ dùng để đo lực, gọi là Lực kế. Nó có cấu tạo và hoạt động như thế nào? Cần phải tiến hành đo lực như thế nào để thu được kết quả chính xác nhất. Để trả lời cho các câu hỏi trên, mời các em cùng theo dõi nội dung bài học. Chúc các em học tốt!

Lý 6 Bài 10: Lực kế- Phép đo lực. Trọng lượng và khối lượng

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tìm hiểu lực kế

a) Lực kế là gì?

  • Lực kế là một dụng cụ dùng để đo lực.

  • Lực kế thường dùng là lực kế lò xo. Có loại lực kế đo lực kéo, có loại đo lực đẩy và cũng có loại có thể đo cả hai lực trên

b) Mô tả một lực kế lò xo đơn giản:

Lực kế

  • Lực kế có một chiếc lò xo một đầu gắn vào vỏ lực kế, đầu kia có gắn một cái móc và một cái kim chỉ thị.

  • Kim chỉ thị chạy trên mặt một bảng chia độ

1.2. Đo một lực bằng lực kế

a) Cách đo lực:

  • Thoạt tiên phải điều chỉnh số 0, nghĩa là phải điều chỉnh sao cho khi chưa đo lực, kim chỉ thị nằm đúng vạch 0.

  • Cho lực cần đo tác dụng vào lò xo lực kế.

  • Phải cầm vào vỏ lực kế và hướng sao cho lò xo lực kế nằm dọc theo phương của lực cần đo

b) Thực hành đo lực:

  • Xác định trọng lượng của quyển SGK, ghi chép kết quả 

  • Khi đo cần phải cầm lực kế sao cho lò xo lực kế nằm ở tư thế thẳng đứng, vì lực cần đo là trọng lực có phương thẳng đứng.

1.3. Công thức liên hệ giữa trọng lượng và khối lượng

- Hệ thức liên hệ giữa trọng lượng của cùng một vật là: P = 10.m

+ Trong đó: m là khối lượng của vật, đơn vị đo là kg; P là trọng lượng của vật, đơn vị đo là N

  • Ví dụ:

a. Một quả cân có khối lượng 100g thì có trọng lượng là 1N.

b. Một quả cân có khối lượng 200g thì có trọng lượng là 2N.

c. Một túi đường có khối lượng là 1kg thì có trọng lượng là 10N.

Như vậy: giữa trọng lượng và khối lượng của cùng một vật có hệ thức P = 10m

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định tác dụng của lực kế

Muốn đo thể tích và trọng lượng của một hòn sỏi thì người ta phải dùng:

A. cân và thước

B. lực kế và thước

C. cân và bình chia độ

D. lực kế và bình chia độ

Hướng dẫn giải

Chọn D

Vì lực kế dùng để đo trọng lượng còn bình chia độ dùng để đo thể tích của hòn sỏi.

2.2. Dạng 2: Xác định trọng lượng của một vật

Một quyển vở có khối lượng 80g thì có trọng lượng bao nhiêu niutơn 

Hướng dẫn giải

Quyển vở có khối lượng: m = 80 g = 0,08 kg

Ta có trọng lượng P =10.m

Vậy trọng lượng của quyển vở là: P = 10. 0,08 = 0,8 N

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Khi đi chợ mua thực phẩm, người ta quan tâm đến đại lượng nào của hàng hóa: khối lượng hay trọng lượng. Có thể dùng lực kế đo để kiểm tra khối lượng hang hóa được không? Tại sao?

Câu 2: Một ô tô có trọng tải là 5 tấn thì tương ứng với trọng lượng là bao nhiêu?

Câu 3: Một vật có khối lượng là 19.000 gam thì vật này có trọng lượng tương ứng là bao nhiêu Newton.

Câu 4: Một vật có trọng lượng là 45.000 N thì vật này có khối lượng là bao nhiêu Tấn?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Biết rằng trọng lượng của vật càng giảm khi đưa vật lên càng cao so với mặt đất. Khi đưa một vật lên cao dần, kết luận nào sau đây là đúng? Coi trong suốt quá trình đó vật không bị biến dạng.

A. Khối lượng riêng của vật càng tăng

B. Trọng lượng riêng của vật giảm dần.

C. Trọng lượng riêng của vật càng tăng.

D. Khối lượng riêng của vật càng giảm.

Câu 2: Cho khối lượng riêng của nhôm, sắt, chì, đá lần lượt là 2700 kg/m3, 7800 kg/m3, 11300 kg/m3, 2600 kg/m3. Một khối đồng chất có thể tích 300 cm3, nặng 810 g đó là khối

A. Nhôm       B. Sắt        C. Chì         D. Đá

Câu 3: Cho hai khối kim loại chì và sắt. Sắt có khối lượng gấp đôi chì. Biết khối lượng riêng của sắt và chì lần lượt là D= 7800 kg/m3, D2 = 11300 kg/m3. Tỉ lệ thể tích giữa sắt và chì gần nhất với giá trị nào sau đây?

A. 0,69          B. 2,9         C. 1,38        D. 3,2

Bài 8: Nếu sữa trong một hộp sữa có khối lượng tịnh 387 g và thể tích 0,314 lít thì trọng lượng riêng của sữa gần nhất với giá trị nào sau đây?

A. 1,264 N/m3      B. 0,791 N/m3      

C. 12643 N/m3      D. 1264 N/m3      

4. Kết luận

Qua bài giảng Lực kế - Phép đo lực .Trọng lượng và khối lượng này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nhận biết được cấu tạo của lực kế, GHĐ và ĐCNN của lực kế.

  • Sử dụng được công thức liên hệ giữa trong lượng và khối lượng của cùng một vật để tính trọng lượng của vật khi biết khối lượng của vật đó.

Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM