Lý 10 Bài 1: Chuyển động cơ

Mở đầu chương trình Vật lý THPT chúng ta khảo sát chuyển động của các vật. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu bài học về chuyển động cơ. Hi vọng, những kiến thức mà eLib tổng hợp sẽ giúp ích cho các em

Lý 10 Bài 1: Chuyển động cơ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chuyển động cơ. Chất điểm

a) Chuyển động cơ

Chuyển động của một vật là sự thay đổi vị trí của vật đó so với các vật khác theo thời gian.

b) Chất điểm

  •   Những vật có kích thước rất nhỏ so với độ dài đường đi (hoặc với những khoảng cách mà ta đề cập đến), được coi là chất điểm.
  •   Khi một vật được coi là chất điểm thì khối lượng của vật coi như tập trung tại chất điểm đó.

c) Quỹ đạo

Quỹ đạo của chuyển động là đường mà chất điểm chuyển động vạch ra trong không gian.

1.2. Cách xác định vị trí của vật trong không gian

a) Vật làm mốc và thước đo

Để xác định chính xác vị trí của vật ta chọn một vật làm mốc và một chiều dương trên quỹ đạo rồi dùng thước đo chiều dài đoạn đường từ vật làm mốc đến vật.

b) Hệ toạ độ

- Hệ toạ độ 1 trục (sử dụng khi vật chuyển động trên một đường thẳng)

Hệ tọa độ 1 trục

  • Toạ độ của vật ở vị trí M : \(x = \overline {OM} \)

- Hệ toạ độ 2 trục (sử dụng khi vật chuyển động trên một đường cong trong một mặt phẳng)

Hệ tọa độ 2 trục

  • Toạ độ của vật ở vị trí M : \(\begin{array}{l} x = {\overline {OM} _x}\\ y = {\overline {OM} _y} \end{array}\)

1.3. Cách xác định thời gian trong chuyển động 

a) Mốc thời gian và đồng hồ

Để xác định từng thời điểm ứng với từng vị trí của vật chuyển động ta phải chọn mốc thời gian và đo thời gian trôi đi kể từ mốc thời gian bằng một chiếc đồng hồ.

b) Thời điểm và thời gian

  • Thời điểm là trị số chỉ một lúc nào đó theo mốc thời gian và theo đơn vị thời gian đã chọn.
  • Thời gian là khoảng thời gian trôi đi giữa hai thời điểm.
  • Nếu lấy mốc thời gian là thời điểm vật bắt đầu chuyển động thì số chỉ của thời điểm sẽ trùng với số đo khoảng thời gian đã trôi qua kể từ mốc thời gian

1.4. Hệ qui chiếu

- Một hệ qui chiếu gồm :

  • Một vật làm mốc, một hệ toạ độ gắn với vật làm mốc.
  • Một mốc thời gian và một đồng hồ

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Để xác định vị trí của một tàu biển giữa đại dương, người ta dùng những tọa độ nào?

Hướng dẫn giải

Để xác định vị trí của một vật trên một mặt phẳng, người ta dùng hệ trục tọa độ gồm 2 trục Ox và Oy vuông góc với nhau. Để xác định vị trí của một tàu biển giữa đại dương, người ta dùng trục Ox là vĩ độ, trục Oy là kinh độ tàu.

Câu 2: Nêu cách xác định vị trí của một ô tô trên quốc lộ.

Hướng dẫn giải

Dựa vào cột cây số trên quốc lộ: khi ôtô đến cột cây số, ta sẽ biết vị trí ô tô cách mốc (địa điểm sẽ đến) còn bao nhiêu km.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Lúc 8 giờ sáng nay một ô tô đang chạy trên Quốc lộ 1 cách Hà Nội 20 km. Việc xác định vị trí của ô tô như trên còn thiếu yếu tố nào?

Câu 2: Một người chỉ đường cho một khách du lịch như sau: “Ông hãy đi dọc theo phố này đến bờ một hồ lớn. Đứng tại đó, nhìn sang bên kia hồ theo hướng Tây Bắc, ông sẽ thấy tòa nhà của khách sạn S”. Người chỉ đường đã xác định vị trí của khách sạn S theo cách nào?

Câu 3: Hệ quy chiếu bao gồm?

Câu 4: Hoà nói với Bình: “Mình đi mà hoá ra đứng; cậu đứng mà hoá ra đi !” trong câu nói này thì vật làm mốc là ai?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong trường hợp nào dưới đây có thể coi một đoàn tàu như một chất điểm?

A. Đoàn tàu lúc khởi hành.

B. Đoàn tàu đang qua cầu.

C. Đoàn tàu đang chạy trên một đoạn đường vòng.

D. Đoàn tàu đang chạy trên đường Hà Nội -Vinh.

Câu 2: Một người đứng trên đường quan sát chiếc ô tô chạy qua trước mặt. Dấu hiệu nào cho biết ô tô đang chuyển động?

A. Khói phụt ra từ ống thoát khí đặt dưới gầm xe.

B. Khoảng cách giữa xe và người đó thay đổi.

C. Bánh xe quay tròn.

D. Tiếng nổ của động cơ vang lên.

Câu 3: Một chiếc xe lửa đang chuyển động, quan sát chiếc va li đặt trên giá để hàng hóa, nếu nói rằng:

1. Va li đứng yên so với thành toa.

2. Va li chuyển động so với đầu máy.

3. Va li chuyển động so với đường ray.

thì nhận xét nào ở trên là đúng?

A. 1 và 2.

B. 2 và 3.

C. 1 và 3.

D. 1, 2 và 3.

Câu 4: Trong các ví dụ dưới đây, trường hợp nào vật chuyển động được coi như là chất điểm?

A. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất.

B. Đoàn tàu chuyển động trong sân ga.

C. Em bé trượt từ đỉnh đến chân cầu trượt.

D. Chuyển động tự quay của Trái Đất quanh trục.

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Chuyển động cơ Vật lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Qua bài giảng Chuyển động cơ này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như :

  • Nắm được khái niệm và ví dụ cụ thể về: Chất điểm, chuyển động cơ, quỹ đạo của chuyển động.
  • Phân biệt được hệ toạ độ và hệ qui chiếu, thời điểm và thời gian. Làm các bài toán về hệ qui chiếu, đổi mốc thời gian.
Ngày:15/07/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM