GDCD 9 Bài 8: Năng động, sáng tạo

Bài học giúp các em hiểu thế nào là năng động, sáng tạo, biểu hiện và ý nghĩa của năng động, sáng tạo và vì sao cần phải năng động sáng tạo. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 9. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 9 Bài 8: Năng động, sáng tạo

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

a. Nhà bác học Ê-đi-xơn

- Ê-đi-xơn giúp mẹ qua cơn nguy kịch bằng cách : tháo gương cánh tủ, mượn thêm gương của hàng xóm, để ở vị trí thích hợp, nhằm tăng ánh sáng để cho Bác sĩ mổ tại nhà.

=> Ê-đi-xơn dám nghĩ, dám làm và năng động, sáng tạo. Nhờ đó Mẹ của ông được cứu sống

- Nhờ say mê nghiên cứu, sau này ông sáng chế ra đèn điện, máy ghi âm, điện thoại, máy chiếu phim, tàu điện...

b. Lê Thái Hoàng - một học sinh năng động, sáng tạo

- Lê Thái Hoàng năng động, sáng tạo trong học tập: tích cực, chủ động, tự giác học tập, tìm ra cách giải nhanh gọn hơn.

- Luôn tìm tòi những tài liệu, sách, các đề thi học sinh giỏi trên toàn quốc để học, luyện giải có lúc học đến 2h sáng.

=> Lê Thái Hoàng đạt được: giải nhì Toán quốc gia; đạt Huy chương đồng kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 39 tại Đài Loan; Huy chương vàng kỳ thi Olimpíc toàn châu á Thái Bình Dương lần thứ 11; Huy chương vàng kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 40 tại Ru- Ma- Ni; Hoàng cùng đội tuyển Việt Nam vươn lên đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Năng động là tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm.

- Sáng tạo là say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào cái đã có.

b. Biểu hiện

- Không tự bằng lòng với cái có sẵn, không bắt chước hoàn toàn cách làm đã có

- Luôn say mê, tìm tòi và phát hiện

- Linh hoạt xử lí các tình huống

- Tìm ra cách làm mới, sản phẩm mới, hiệu quả cao, độc đáo.

c. Ý nghĩa

- Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người có thể vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra một cách nhanh chóng, tốt đẹp.

- Nhờ năng động mà con người làm nên những kì tích vẻ vang, mang lại niềm vinh dự cho bản thân, gia đình, đất nước

d. Mối quan hệ năng động và sáng tạo

- Năng động là cơ sở để sáng tạo

- Sáng tạo là động lực để năng động.

e. Cách rèn luyện

- Rèn luyện tính siêng năng, cần cù, chăm chỉ

- Biết vượt qua khó khăn, thử thách

- Tìm ra cách tốt nhất, khoa học nhất để đạt được mục đích.

2. Luyện tập

Câu 1: Năng động, sáng tạo có ý nghĩa như thế nào trong thời đại ngày nay ?

Gợi ý trả lời

Năng động, sáng tạo là phẩm chất rất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người có thể vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đề ra một cách nhanh chóng và tốt đẹp. Nhờ năng động, sáng tạo mà con người đã làm nên những kì tích vẻ vang, mang lại niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và đất nước.

Câu 2: Theo em, những hành vi nào sau đây thể hiện tính năng động, sáng tạo hoặc không năng động, sáng tạo ? Vì sao ?

a) Trong giờ học các môn khác, Nam thường đem bài tập Toán hoặc bài tập Tiếng Anh ra làm ;

b) Ngồi trong lớp, Thắng thường chú ý nghe thầy cô giảng bài, khi có điều gì không hiểu là Thắng mạnh dạn hỏi ngay ;

c) Trong học tập, bao giờ An cũng chỉ làm theo những điều thầy cô đã nói ;

d) Vi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh Văn cho rằng mình cần phải làm bất cứ cách nào để tăng thêm thu nhập ;

đ) Sau khi đã cân nhắc và bàn bạc kĩ lưỡng, ông Thận quyết định xin vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất;

e) Mặc dù trình độ học vấn không cao, song ông Lũy luôn tự tìm tòi học hỏi để tìm ra cách làm riêng của mình ;

g) Đang là sinh viên, song anh Quang thường hay bỏ học để làm kinh tế thêm ;

h) Khi tìm hiểu bất cứ vấn đề gì, Minh thường đặt câu hỏi “vì sao” và trao đổi lại với thầy cô, bạn bè hoặc tìm đọc thêm những sách báo có liên quan để tìm lời giải đáp.

Gợi ý trả lời

- Hành vi (b), (đ), (e), (h) thể hiện tính năng động, sáng tạo. Bởi vì:

+ (b) Thắng say mê học tập, không thoả mãn với những điều đã biết.

+ (e), (đ) Ông Thận, ông Lũy là những người dám nghĩ, dám làm để tìm ra cái mới.

+ (h) Minh là người say mê tìm tòi phát hiện ra cái mới.

Những biểu hiện đó chứng tỏ họ là những người năng động, sáng tạo.

- Hành vi (a), (c), (d), (g), không thể hiện năng động, sáng tạo. Bởi họ là những người bị thụ động trong công việc, học tập và làm việc tuỳ tiện.

Câu 3: Vì sao học sinh phải rèn luyện tính năng động, sáng tạo ? Để rèn luyện đức tính đó cần phải làm gì ?

Gợi ý trả lời

- Học sinh cần phải rèn luyện tính năng động, sáng tạo vì đức tính này sẽ giúp các em tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt xử lí các tình huống trong học tập, lao động... nhằm đạt kết quả cao trong mọi công việc.

- Để trở thành người năng động sáng tạo, học sinh cần tìm ra cách học tập tốt nhất cho mình, có phương pháp học tập đúng đắn, có kế hoạch và tích cực vận dụng những điều đã biết vào cuộc sống.

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là năng động, sáng tạo, biểu hiện và ý nghĩa của năng động, sáng tạo và vì sao cần phải năng động sáng tạo. Qua đó, các em biết phát huy sự năng động, sáng tạo trong học tập và trong đời sống hằng ngày.

Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM